Hoàng thái hậu Trương_hoàng_hậu_(Minh_Hiếu_Tông)

Năm Hoằng Trị năm thứ 18 (1505), Hiếu Tông hoàng đế băng hà. Thái tử Chu Hậu Chiếu lên nối ngôi, tức Minh Vũ Tông Chính Đức hoàng đế. Vũ Tông tôn Trương hoàng hậu lên ngôi Hoàng thái hậu, dâng tôn hiệu cho bà là Từ Thọ hoàng thái hậu (慈壽皇太后).

Năm Chính Đức thứ 16 (1521), Vũ Tông hoàng đế băng hà mà không có con nối, Trương Thái hậu bèn triệu em họ Vũ Tông là Hưng vương Chu Hậu Thông (朱厚熜) lên kế vị, tức Minh Thế Tông Gia Tĩnh hoàng đế. Thế Tông hoàng đế tôn phong hiệu của bà là Chiêu Thánh Từ Thọ hoàng thái hậu (昭聖慈壽皇太后), xưng hô với bà là Thánh mẫu (聖母).

Theo qua Đại lễ nghị, mẹ của Thế Tông là Hưng vương phi Tưởng thị được tấn phong làm Hưng Quốc thái hậu (興國太后), rồi Thánh mẫu Chương Thánh hoàng thái hậu (聖母章聖皇太后), ngang hàng với Trương Thái hậu khiến bà bất bình, điều này khiến Thế Tông bất mãn với bà. Về sau, Thế Tông đổi xưng hô với Trương Thái hậu là Bá mẫu (伯母)[1].

Năm Gia Tĩnh thứ 20 (1541), em trai của Trương Thái hậu phạm tội. Thái hậu không cứu được em mà đau lòng lâm bệnh rồi qua đời vào ngày 8 tháng 8 (âm lịch) cùng năm, hưởng thọ 70 tuổi. Thụy hiệuHiếu Khang Tĩnh Túc Trang Từ Triết Ý Dực Thiên Tán Thánh Kính hoàng hậu (孝康靖肃庄慈哲懿翊天赞圣敬皇后). Sau khi bà mất, em trai bà cũng bị xử tử.

Năm 1644, Minh Tư Tông Sùng Trinh hoàng đế cải thụy hiệu của bà thành Hiếu Thành Tĩnh Túc Trang Từ Triết Ý Dực Thiên Tán Thánh Kính hoàng hậu (孝成靖肅莊慈哲懿翊天贊聖敬皇后), gọi tắt là Hiếu Thành Kính hoàng hậu (孝成敬皇后) vì cho rằng chữ Khang (康) trong thụy hiệu của bà trùng với chữ Khang trong thụy hiệu Hoàng hậu của Thái tử phi Thường thị, phối ngẫu với Minh Hưng Tông Chu Tiêu.